top of page
Pink Lotus 2.png
Pink Lotus 2.png

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
BIÊN SOẠN TỲ KHƯU THÍCH MINH TÂN

TÌM VỀ CHƠN LÝ PHẬT ĐÀ

LỜI NÓI ĐẦU

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Thiền Đức, kính thưa quý vị Phật tử.

Trên thế gian này đều có qui luật là thành trụ hoại không, sự thịnh suy của Phật giáo là do trong tứ chúng có tu tập Giới - Định - Tuệ hay không, chư Tăng thay Phật hoằng truyền Phật Pháp đến mọi tầng lớp chúng sanh, hoằng pháp cho đúng chánh pháp những lời Phật dạy thì phải theo Kinh điển, vì Kinh là con đường phá màn đêm tối tâm cho ra ánh sáng. Vì vậy bần đạo biên soạn những lời Phật dạy thành uyển sách nhỏ để mong quý đồng tu tìm hiểu dễ dàng hơn những lời Phật khi còn tại thế Ngài đã thuyết giảng.

TÌM về tự tánh chơn tâm
VỀ nơi thân tướng cội nguồn của ta
CHƠN tâm Phật tánh pháp thân
pháp vô lượng, vô vi niết bàn
PHẬT đạo vô thượng quang minh
ĐÀ Giới-Định-Tuệ vô biên sáng ngời.
                                         (Cư sĩ Hư Vô)

 

Xin đem chút lòng thành này chan rải cho tất cả những người bạn trên thế giới. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo và phước báu do pháp thí này đến tất cả chúng sanh người người đều thức tỉnh tu hành, thân tâm thường an lạc, cùng nhau vãng sanh Tịnh Độ, chứng thành Phật đạo. 

 

Với sự cố gắng hết mình, vì khả năng có hạn nên khó tránh khỏi sơ sót. Kính mong chư tôn Đức Tăng Ni; các bậc thiện tri thức hoan hỷ bổ chính, từ bi chỉ giáo. Bần đạo kính cẩn nghiêng mình, thọ nhận lời phê bình cũng như những cao kiến đóng góp xây dựng để những lần tái bản được hoàn thiện hơn. A Di Đà Phật.

 

           Xin chân thành tri ân đến quý vị.

 

        Phật lịch: 2559 – Dương lịch: 2015

     Biên soạn: Tỳ Khưu Thích Minh Tân

                   Tịnh Xá Hoằng Truyền

                   Sư Minh Tân

                   Đường T12, Tân Quý Tây, 

                   Bình Chánh, Sài Gòn

                   ĐT: 093 989 6655

 

                     NXB Hồng Đức

- Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh mờ ám, người hiểu giáo lý mà không lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ mới làm cội gốc tu hành.

(Kinh Niết Bàn)

- Người hàng phục ý mình không nổi, lại muốn hàng phục ý người khác. Phải hàng phục ý mình trước đã, mới có thể hàng phục được ý người.

(Kinh Tam Huệ)

- Này các đệ tử sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, các vị phải trân trọng, cung kính giới luật như kẻ nghèo hèn được giàu có, như kẻ đui mù được sáng mắt. Phải biết rằng giới luật là bậc thầy tối thượng. Dẫu có sống thêm ở đời bao nhiêu năm nữa, Như Lai cũng không ngoài mục đích răn dạy các vị về giới luật ấy thôi. Người giữ giới thì không được kinh doanh thương mại, xây dựng nhà cửa, cày cấy ruộng vườn, đầu tư nông nghiệp, thuê người giúp việc theo kiểu thế tục, không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu, đoán quẻ tốt xấu, xem sao đoán mạng, nghiên cứu điạ lý, tìm tòi hung suy hay coi lịch đoán số. Các vị nên sống tiết chế thân mạng, ăn uống điều độ, duy trì nếp sống thanh cao, giải thoát. Không tham dự chính trị, lãnh sứ mạng liên lạc thông tin. Không được luyện bùa chú, chế linh dược, giao hảo người yêu quý, kết thân kẻ ngạo mạn. Cần phải giữ tâm chân thật, sống chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây, mong cầu đạo quả giải thoát. Không được che dấu lỗi lầm, bày điều mê hoặc để thu hút quần chúng. Phải sống ít muốn, biết đủ đối với bốn phẩm vật cúng dường. Sống vừa đủ để hành đạo, không cất chứa tài sản và tiền bạc. Như Lai vừa nói tóm tắt sự giữ giới. Giới luật là sự căn bản, là gốc rễ của sự giải thoát. Nhờ giữ giới trang nghiêm thiền định và trí tuệ phát sanh, có thể tiêu diệt sự khổ đau. Thế nên các vị hãy giữ gìn giới luật một cách trọn vẹn. Người giữ giới thanh tịnh sẽ nuôi lớn pháp lành. Người thiếu mất giới thì không thể phát sinh công đức.

(Kinh Niết Bàn)

- Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết; nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ; nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Đầy đủ bốn đức tánh này lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có tội và không bị người có trí chỉ trích.

 

(Kinh Tương Ưng Bộ 1)

- Này các đệ tử, các vị phải chế ngự năm giác quan. Không để chúng dong duổi theo trần cảnh, dục lạc. Người tu phải như chú mục đồng cầm roi chăn, không để trâu dẫm đạp lúa mạ của người. Một khi các vị buông lung năm giác quan, không những các vị không chế ngự được năm dục lạc, mà các vị cũng không thể dừng được vòng cương tỏa của phóng túng, như con ngựa chứng, nếu không dây cương nó sẽ lao xuống hầm hố. Nạn khổ của giặc cướp chỉ có một đời, trong khi nạn giặc giác quan làm chúng sanh đau khổ nhiều kiếp, tai họa của nó vô cùng nguy hiểm. Các vị phải cẩn thận. Thế nên người có trí phải chế ngự các giác quan chứ không phục tùng nó, giữ gìn chúng như là canh chừng giặc cướp, không để chúng hoành hành thao túng. Này các đệ tử, trong các giác quan của con người, ý là quan trọng nhất. Các vị phải thận trọng chế ngự tâm ý mình. Tâm ý rất đáng sợ, nguy hiểm còn hơn thú dữ, rắn độc, thậm chí nguy hại hơn cả nạn hỏa hoạn. Cũng như có người mải mê cầm giữ chén mật trên tay và quên đi hầm hố trên đường, sẽ bị vấp ngã. Cũng như voi say mà không có móc sắt; như khỉ vượn gặp được cây rừng tha hồ mà chuyền nhảy, muốn chế ngự chúng thì thật là khó. Vì vậy các vị siêng năng chế ngự tâm mình, để giữ gìn tất cả các pháp thiện. Khi tâm được chế ngự một chỗ thì không việc gì không thành. 

(Kinh Niết Bàn)

- ..... Lại nữa, Bồ Tát Trí Quang! Phật tử xuất gia thường làm hạnh khất thực, dù rằng phải xả thân, mạng, chứ không bao giờ dứt tâm ấy.

Sở dĩ thế là sao? Hết thảy chúng sanh đều y trụ nơi ẩm thực, bởi thế nên khất thực lợi ích vô cùng. Các ông nên biết! Bồ Tát xuất gia thường đi khất thực, vì nó có mười thắng lợi. Những gì là mười? Một là, thường đi khất thực nuôi sống thân mạng mình, nhưng được xuất nhập tự do không bị lệ thuộc vào người khác. Hai là, khi đi khất thực nói diệu pháp cho người nghe, khiến người ta khởi tâm thiện, sau mới xin thức ăn cho mình. Ba là, vì những người không biết bố thí, phát tâm đại bi vì họ nói chánh pháp cho họ nghe, khiến họ khởi tâm xả thí, mà sanh được thắng phước. Bốn là, làm theo lời Phật dạy để tăng trưởng giới phẩm, phước đức viên mãn, trí tuệ vô cùng. Năm là, thường đi khất thực, đối với bảy mạn, chín mạn, tự nhiên tiêu diệt, mọi người cung kính cho là ruộng phước tốt lành. Sáu là, khi đi khất thực sẽ được tướng <<Vô kiến đỉnh.>> Tức là tướng nhục kế của Phật, tướng này ở trên đỉnh đầu Phật, hết thảy nhân, Thiên không trông thấy được, nên gọi là <<Vô kiến đỉnh>> của Như Lai, ứng nhận sự cúng dường rộng lớn của thế gian. Bảy là, Phật tử các ông theo học pháp này, trụ trì Tam Bảo, làm lợi ích cho chúng sanh. Tám là, khi đi khất thực không được vì cầu thức ăn, uống mà khởi ra tâm hy vọng, khen ngợi hết thảy con trai, con gái. Chín là khi đi khất thực nên theo lần lượt, không nên phân biệt nhà giàu, nghèo. Mười là, thường đi khất thực chư Phật hoan hỷ, được nhất thiết trí, là duyên lành hơn hết.

Bồ Tát Trí Quang! Tôi vì các ông nói qua về mười sự lợi ích như thế, nếu phân biệt ra thời vô lượng, vô biên. Tỳ Khưu các ông, cùng những người đời sau cầu Phật đạo nên học như thế.

(Kinh Tâm Địa Quán)

- Thế Tôn nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần ba pháp Vô lậu học Giới, Định, Tuệ mà mọi đệ tử xuất gia cần phải hành trì: "Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đên quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là Dục lậu, Hữu lậu, Vô minh lậu."

(Kinh Niết Bàn)

- Này các đệ tử, khi thọ dụng phẩm vật cúng dường, các vị nên quan niệm như uống thuốc. Ngon không ham, dở không chê. Ăn uống chỉ để cho khỏi đói khát. Như ong hút mật trong hoa, chỉ lấy mùi vị, không làm tổn thương hương sắc, Người xuất gia cũng vậy: Thọ dụng sự cúng dường để đủ sức khỏe tu tập, không được ham cầu quá nhiều, làm tổn thất tín tâm của tín thí. Hãy như người trí biết lượng sức kéo và chịu đựng của trâu, không nên dụng trâu quá sức, đến nỗi kiệt lực.

(Kinh Niết Bàn)

- Này các đệ tử, ban ngày thì nỗ lực tu tập pháp lành, không để thời gian trôi qua uổng phí. Đầu hôm, cuối đêm cũng không luống bỏ. Giữa đêm tụng niệm, tu trì. Đừng vì chuyện ngủ nghỉ mà để cuộc đời trôi qua vô ích. Hãy tâm niệm rằng ngọn lửa vô thường đang đốt cháy thế gian, để tự tinh tấn lấy mình, khắc phục sự lười biếng, ngủ nghỉ. Giặc phiền não luôn rình rập giết các vị, còn nguy hiểm hơn kẻ thù, làm sao các vị có thể mặc tình ngủ nghỉ mà không cảnh giác! Phiền não ngủ trong tâm người cũng như rắn độc nằm trong nhà, phải dùng móc sắt giới hạnh mà lôi kéo nó ra gấp. Rắn độc ra rồi ta mới an tâm ngủ nghỉ. Rắcđộc chưa ra mà mãi mê ngủ nghỉ thì thật là người không biết hổ thẹn. Này các đệ tử, sự hổ thẹn là trang sức đẹp nhất trong mọi trang sức. Sự hổ thẹn có khả năng chế ngự mọi thứ bất thiện và phi pháp của con người. Thế nên hãy sống với tâm hổ thẹn, đừng bao giờ lãng quên đức tính ấy. Mất tâm hổ thẹn là mất tất cả công đức. Có hổ thẹn là có tất cả thiệện pháp. Không hổ thẹn thì có khác chỉ loài cầm thú.

(Kinh Niết Bàn)

- Này các đệ tử, nếu có ai xúc phạm, thương tổn thân thể các vị, các vị nên kiềm chế tâm mình, đừng để lửa sân hận thiêu đốt. Lạiphải giữ lời ăn, tiếng nói, đừng buông lời ác độc để trả đũa ai. Tâm sân hận trỗi dậy sẽ làm băng hoại đạo nghiệp, cháy hết công đức tu tập. Đức tánh kham nhẫn thì giữ giới và khổ hạnh cũng không thể sánh bằng. Thực hành đức nhẫn mới xứng danh là bậc Thượng Nhân có sức mạnh. Người nào chưa có thể chịu đựng sự nhục mạ một cách hoan hỷ, như uống cam lộ, thì chưa thể xứng danh là người vào đạo có trí. Sự sân hận sẽ thiêu hủy tất cả pháp lành, nó nguy hiểm hơn lửa dữ. Các vị phải canh phòng cẩn mật, đừng cho sân hận xâm nhập. Trong các giặc cướp công đức thì sân hận là nguy hiểm bậc nhất. Người thế gian sống thọ hưởng dục lạc, thiếu phương pháp chế ngự, nếu có sân hận còn có thể tha thứ được. Người xuất gia hành đạo loại bỏ mọi thứ vui của đời mà không loại bỏ được sân hận thì thật đáng trách, cũng giống như bầu trời quang đảng mà có sấm sét nổi lên là điều không thích hợp.

(Kinh Niết Bàn)

- Một chúng sang duy nhất, một con Người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.

(Kinh Tăng Nhứt A Hàm)

- Này các đệ tử, các vị hãy tự xoa ₫ầu mình và ghi nhớ rằng: Các vị đã bỏ tất cả các mỹ phẩm và trang sức của thế gian, khoác trên mình chiếc áo cà-sa hoại sắc, sống bằng cách khất thực. Khi nào tâm lý kiêu mạn, cao ngạo nổi lên thì lập tức chế ngự nó. Kiêu ngạo là tánh xấu mà thế nhân còn không nên có, huổng chi là người xuất gia vì đạo giải thoát, sống bằng khất thực hay sao!

(Kinh Niết Bàn)

- Người rèn sẳt bỏ sét làm thành món đồ, đồ ấy được tinh xảo. Người ưa học Đạo, bỏ tâm nhơ bẩn, hạnh liền trong sạch.

 

(Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

- Này các đệ tử, tâm lý dua nịnh trái ngược hoàn toàn với đạo giải thoát. Thế nên, các vị hãy huấn luyện tâm cho thật chất trực. Nên biết rằng: Dua nịnh là điều dối trá mà người xuất gia không nên có. Phải làm cho tâm ý đoan chánh, phát huy đức tánh trung trực. Đó là con đường vào đạo.

(Kinh Niết Bàn)

- Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu

Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu

(Kinh Nhẫn Nhục)

- Này các đệ tử, các vị nên biết rằng người nào tham muốn nhiều thì nhu cầu lợi dưỡng cũng nhiều, do vậy mà đau khổ càng tăng. Người ít muốn thì không ham cầu, không đẳm nhiễm nên không có tệ hại ấy. Chỉ với lợi ích ấy thôi cũng đủ để các vị trau dồi, thực tập, huống là khi hạnh này còn có công năng phát triển các công đức! Người ít muốn thì không lấy lòng người bằng cách dua nịnh, lòn cúi, và cũng không bị các giác quan sai sử, thao túng. Hành giả ít muốn, tâm ý được thanh thản, không còn những ưu tư, phiền muộn, gặp việc thì đủ nghị lực để ứng phó, không việc gì không làm được. Nói chung, sống hạnh ít muốn tất gần Niết Bàn.

(Kinh Niết Bàn)

- Nói phô những lời giả dối, làm não hại tất cả chúng sanh; kẻ ấy thường như bị giam trong tối tăm, tuy còn sống mà đồng như người chết.

(Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ)

- Này các đệ tử nếu các vị muốn giải thoát mọi đau khổ thì nên thường xuyên tu tập quán biết đủ. Pháp biết đủ là cơ sở của sự an lạc, hạnh phúc và sung mãn. Người biết đủ dù nằm trên đất vẫn thấy an lạc. Người không biết đủ dẫu sống ở thiên đường vẫn chưa thẩy toại nguyện. Không biết đủ tuy giàu mà rất nghèo. Biết đủ tuy nghèo nhưng rất giàu có. Người không biết đủ là kẻ nô lệ của năm thứ dục lạc thấp kém và còn là tấm bia đời đáng thương xót đối với hành giả biết đủ.

(Kinh Niết Bàn)

- Cất trăm ngôi chùa Phật, chẳng bằng cứu sống một người, cứu sống người khắp mười phương thiên hạ, chẳng bằng một ngày tu tâm.

(Kinh Ma Ý)

- Này các đệ tử, muổn đạt đạo tịch tĩnh, vô vi, an lạc, các vị phải xa lìa những chốn huyên náo, sống một mình ở nơi an nhàn, thanh vắng. Người ở chỗ yên tịnh thì trời Đế - thích và chư Thiên đều kính trọng. Vì thế, các vị nên xa lìa hội chúng, sống đơn độc thư thái và cắt đứt gổc rễ đau khổ bằng tư duy trí tuệ. Người thích hội chúng thì bị hội chúng nhiễu loạn, như cây cổ thụ mà có nhiều chim tụ tập thì có thể bị hư cành. Thế gian trói buộc con người trong đau khổ cũng giống như con voi già bị sa lầy, khó mong thoát khỏi. Đó là hạnh siêu thoát, các vị cần ghi tâm.

(Kinh Niết Bàn)

- Thật khó được vậy, này các Tỳ Khưu, là được làm người. Thật khó được vậy, này các Tỳ Khưu, là được Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán. Chánh đẳng chánh giác, thật khó được vậy, này các Tỳ Khưu, là Pháp và luật này do Thế Tôn thuyết giảng, chiếu sáng trên đời.

(Kinh Tương Ưng 5)

- Này các đệ tử, nỗ lực tinh tấn thì không việc gì khó khăn. Thế nên các vị phải siêng năng, tinh tấn như giọt nước thường nhỏ có thể xuyên thủng đá. Người tu hành mà biếng nhác thì khác nào như người cọ cây lấy lửa, cây chưa kịp nóng đã nghỉ, dầu tha thiết được lửa, lửa cũng không vì thế mà có được. Hãy siêng năng tinh tấn không dừng.

(Kinh Niết Bàn)

- Có tội biết quấy, c ải lỗi được lành, tội ngày tiêu diệt, sau gặp được đạo.

(Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

- Này các đệ tử, thực ra cầu cạnh thiện tri thức hay người trợ lực không bằng tự mình đề cao chánh niệm, tỉnh thức. Có chánh niệm thì giặc phiền não không thể xâm nhập được. Thế nên các vị phải sống trong sự nhiếp niệm. Mất chánh niệm đồng nghĩa với mất công đức. Có được chánh niệm bền vững thì dù sống trong môi trường ngũ dục cũng chẳng hề gì, như người chiến sĩ vào trận có mặt áo giáp thì không còn sợ gì nữa.

(Kinh Niết Bàn)

- Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.

(Trường Bộ Kinh I)

- Này các đệ tử, nhiếp phục được tâm ý là làm cho tâm an trụ vào định. Tâm trụ thiền định thì sẽ thấu triệt được trạng thái sinh diệt, chuyển biến của thế giới. Các vị phải tinh tấn tu tập thiền định. Tâm định thì trạng thái dao động, tán loạn sẽ tiêu mất cũng như người biết cách giữ nước thì phải bảo vệ tốt đê điều. Cũng vậy, muốn có nước trí tuệ, các vị phải khéo tu tập thiền định, không để cho rỉ chảy.

(Kinh Niết Bàn)

- Động tác của thân đều do tâm mà khởi, cho nên trước phải điều khiển tâm, chớ khổ lo nơi thân, vì thân không tri giác như cây đá, tại sao cứ theo tâm mà làm khổ thân?

(Kinh Phật Bổn Hạnh)

- Này các đệ tử, có trí tuệ thì không có tham trước, luôn luôn tự tỉnh thức và tự dò xét, nhờ đó người ấy có khả năng giải thoát trong giáo pháp của Như Lai. Nếu không có trí tuệ thì không xứng danh là bậc xuất gia. Trí tuệ là chiếc thuyền vững chắc vượt qua biển sanh tử, là ngọn đèn sáng chói trong hắc ám vô minh, là dược liệu thần y của mọi bệnh tật và là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não. Vì thế, các vị cần trau dồi tuệ giác “văn, tư, tu” để tăng trưởng lợi ích. Người có trí tuệ soi chiếu thì dẫu là mắt thịt vẫn là người chánh kiến, thấy rõ bản chất mọi vật.

(Kinh Niết Bàn)

- Lời Dạy Của Bảy Đức Phật.

 

1. Đức Phật Tỳ-Bà-Thi có dạy rằng: Bền chịu với các sự nhẫn nhục, ấy là giới hạnh đầu tiên mà Chư Phật hằng khuyên ta. Kẻ đã xuất gia bỏ thế mà còn phiền giận, thật không đáng với tiếng Tỳ kheo.

 

2. Đức Phật Thích-Khí có dạy rắng: Ngưởi ta có mắt lanh, bao giờ cũng vượt qua khỏi hố sâu thẳm; Cũng như thế, bậc Phật, Thánh thoát khỏi các nạn khổ.

 

3. Đức Phật Tỳ-Xá có dạy rằng: Tránh nói hành và tật đố, giữ giới hạnh, vừa lòng với sự đủ dùng về đồ ăn uống; Bao giờ cũng thỏa thích trong tịnh thất thanh vắng của mình, bền chí về bổn nguyện và cố tiến thủ. Ấy là các lý cốt yếu mà Chư Phật đã ban truyền.

 

4. Đức Phật Câu-La-Tôn-Đại có dạy rằng: Quanh quẩn trên hoa, con ong chỉ lấy mật trong hoa mà thôi, chớ không phá màu hoa và mùi hoa. Cũng như thế, chư Tỳ Kheo ở chung trong với giáo hội, chớ nên làm nặng lòng ai hết. Chớ xem coi họ có làm hoặc không làm, mà phải lo lấy mình, xét coi đạo hạnh của mình có vẹn toàn hay không.

 

5. Đức Phật Câu-Na-Hàm-Mâu-Ni có dạy rằng: Chớ để cái tâm lạc bậy, hãy siêng học các giới luật của Phật Thánh. Như vậy người ta sẽ xa lánh mọi sự buồn, và tấn tới Niết bàn.

 

6. Đức Phật Ca-Diếp có dạy rằng: Chớ làm điều gì ác, phải làm các điều lành, cái sở ý của ngươi phải cho trong sạch luôn luôn. Chư Phật đều dạy như vậy.

 

7. Đức Phật Thích Ca-Mâu-Ni có dạy rằng: Hãy giữ lời nói của ngươi, hãy làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sái quấy. Giữ ba điều ấy là theo chánh Đạo, đạo của Chư Phật đó.

- Này các đệ tử, hý luận chỉ làm cho tâm trí rối loạn. Người xuất gia mà sống hý luận thì không thể đạt được tuệ giác giải thoát. Vì thế các vị phải nhanh chóng từ bỏ vĩnh viễn tâm lý hý luận, vô ích. Diệt trừ các hý luận tạp loạn mới có thể đạt được an lạc tịch diệt.

(Kinh Niết Bàn)

- Như người có tay, vào trong núi báu, tự do lấy ngọc; người có lòng tin cũng vậy, vào trong Phật pháp, tự do lấy của báu vô lậu.

(Kinh Hoa Nghiêm)

- Này các đệ tử, hãy thường xuyên nhớ đến các công đức để từ bỏ tất cả mọi phóng dật, như là tránh xa bọn giặc cướp tài sản thánh. Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã tuyên nói chánh pháp lợi ích rốt ráo. Về phần mình, các vị hãy nỗ lực tinh tấn thường xuyên, đừng để cuộc đời trôi qua vô ích, sau này ăn năn, hối hận đã muộn. Như Lai là vị lương y, rõ biết bệnh lý, cho toa thuốc hợp bệnh trạng từng người. Uống hay không uống không phải là lỗi của lương y. Như Lai lại cũng như người chỉ đường, chỉ rõ đâu là con đường nên đi và hướng đến giải thoát. Biết rõ đường lành mà không chịu cất bước lên đường không phải là lỗi của vị đạo sư!

(Kinh Niết Bàn)

- Tâm ý vốn sạch, bị lỗi làm dơ, lấy nước trí huệ rửa trừ tâm dơ.

(Kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn)

- Này các đệ tử, đối với bốn chân lý thánh, nếu có chỗ nào chưa thấu đáo, thì nên thưa hỏi, Như Lai sẽ chỉ bày cho các con.” Thế Tôn khuyên nhắc ba lần như vậy, bốn chúng đều im lặng, không ai còn thắc mắc.

Lúc ấy, tôn giả A-nậu-lâu-đà bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, dù cho mặt trăng có thể trở nên nóng, mặt trời có trở nên lạnh, nhưng bốn chân lý thánh mà Như Lai đã dạy không thể nào thay đổi được. Khổ đế là thực trạng đau khổ của cuộc đời: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thù ghét mà phải gặp mặt là khổ, thương yêu mà phải chia lìa là khổ, chấp vào năm nhóm nhân thể là khổ. Diệt đế là trạng thái hết sạch mọi đau khổ và nguyên nhân đau khổ, là an lạc, Niết-bàn. Đạo đế là con đường dẫn đến an lạc, là tám chánh đạo, là trung đạo, không có con đường nào khác. Bạch Thế Tôn, cả bốn chúng đều không còn thắc mắc gì về bốn chân lý cao thượng này nữa.

(Kinh Niết Bàn)

- Đến bạn lành, được nghe pháp mầu nhiệm là được pháp các bậc thánh tôn yêu quí. Đức Như Lai trí tuệ hơn hết, trùm khắp hư không, nói ra giáo pháp, duy có Phật mới có thể hiểu thấu được. Vậy nên các ngươi cần phải nghe nhiều hiểu rộng chánh pháp, mới tin nổi lý chơn thiệt chánh pháp của Ta. Được làm thân người trong cõi người rất khó, mà được gặp giáo pháp Như Lai lại càng khó hơn. Vậy nên nghe được giáo pháp phải tinh tấn tu trì.

(Kinh Vô Lượng Thọ Như Lai Hội)

- Này các đệ tử, chớ có thảm sầu, đau xót. Dẫu Như Lai có sống thêm ở đời một kiếp nữa, rồi cũng phải đến ngày Niết-bàn. Hội ngộ mà không chia tay; kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được.

Đối với Như Lai, kinh nghiệm và pháp thức lợi mình, lợi người, Như Lai đều đã tuyên bố. Thật chẳng có lợi ích gì, nếu Như Lai sống lâu nơi đời mà các vị không thực hành chánh pháp. Những chúng sanh đáng độ, Như Lai đã độ hết. Những chúng sanh chưa được độ, Như Lai cũng đã tạo nhân duyên để họ được hóa độ. Từ nay trở đi, đệ tử của Như Lai hãy noi theo truyền thống chánh pháp mà thực hành. Đó là cách làm cho pháp thân Như Lai thường còn, và mãi mãi bất diệt ở thế gian. Như Lai vô dư Niết-bàn hay không, việc đó không quan trọng.

(Kinh Niết Bàn)

- Nếu được nghe một câu pháp chưa từng nghe, sanh lòng rất vui mừng, còn hơn được bao nhiêu ngọc báu đầy trong tam thiên đại thiên thế giới.

(Kinh Hoa Nghiêm)

- Một là kết bạn như hoa; hai là kết bạn như cân; ba là kết bạn như núi; bốn là kết bạn như đất.

Sao gọi là kết bạn như hoa? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.

Sao gọi là kết bạn như cân? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu chổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dể nhau.

Sao gọi là kết bạn như núi? Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế: khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.

Sao gọi là kết bạn như đất? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sanh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên…

(Kinh Hiền Nhân)

- Này các đệ tử, các vị nên nhận thức rằng mọi vật thể, hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường, có kết hợp thì phải có tan rã, chẳng có gì để quyến luyến, thương tâm. Cuộc đời là như thế, các vị phải nỗ lực tinh tấn để tự giải thoát. Dùng ánh sáng trí tuệ để tiêu diệt bóng tối si mê. Đời là một sự vận hành không kiên định. Như Lai vô dư Niết-bàn như bỏ đi một căn bệnh dữ. Đó là năm nhóm nhân tính, mang tính tội lỗi, tạm gọi là thân, vì thế, nó phải chịu sự chi phối không thương tiếc của già, bệnh và chết. Bậc tuệ trí khi thoát khỏi nó có cảm tưởng như là dẹp xong được bọn cướp. Như vậy, chết không đáng để hoan hỷ, an lạc hay sao?

(Kinh Niết Bàn)

- Nếu có người, ngày ngày xưng tụng danh hiệu Như Lai, những chúng sanh ấy có thể xa lìa chốn tối tăm, lần lửa đốt được các phiền não. Như vậy xưng niệm nam mô Phật, thì ngữ nghiệp chẳng luống công. Như vậy ngữ nghiệp gọi là tay cầm cây đuốc lớn hay soi phá các phiền não tối tăm.

(Kinh Bảo Tích)

- Này các đệ tử, các vị phải tha thiết tìm kiếm con đường giải thoát. Toàn thể thế giới từ những vật thể đang vận động cho đến các vật thể không vận động cũng đều không thường còn và không có thực thể, rồi phải đến lúc hoại diệt.

(Kinh Niết Bàn)

     - Thí dụ một người có bốn bà vợ; bà thứ nhứt được chồng mến yêu, đi đứng nằm ngồi làm lụng nghỉ ngơi không hề rời nhau; ăn uống, đồ mặc thường được chồng sắm sửa cho trước hết; lạnh nóng đói khát, săn sóc tùy thời, chìu theo ý muốn của vợ, chưa bao giờ cùng nhau cãi vả.

     Người vợ thứ hai, đi ngồi nói năng, thường ở hai bên tả hữu, chồng gặp thì vui, xa chút thì buồn.

     Bà vợ thứ ba, thỉnh thỏang gặp nhau, khốn đốn cùng cực mới nghĩ đến nhau.

     Người vợ thứ tư, bị chồng sai sử phục vụ có việc thì đến, mà chưa từng săn sóc giúp đỡ, thường hay bỏ qua.

     Đến khi người chồng sắp chết, kêu vợ thứ nhất bảo: ngươi phải đi theo ta đi? Vợ trả lời: tôi không thể đi theo anh được. Chồng nói: ta rất yêu mến ngươi thường chịu thuận theo ý muốn của ngươi, tại sao chẳng đi theo ta? Vợ nói: anh tuy có lòng yêu mến tôi thật, nhưng tôi không thể nào đi theo anh được mà.

     Chồng liền kêu bà thứ hai bảo: mình đi theo tôi đi? Vợ đáp: Anh yêu mến chị cả sao không bắt chị ấy đi theo anh, tôi đâu có đi theo anh được. Chồng buộc: ta ngày trước tìm ngươi khổ thật không thể tả: chịu lạnh, chịu nóng, chịu đói khát… nay sao chẳng chịu đi theo ta? Bà ta nói: bởi lòng anh tham dục mới cố gắng tìm cầu đến tôi, chớ tôi đâu có cần anh, nay anh sao lại đem việc gian khổ mà bảo với tôi?

     Anh chồng lại kêu vợ thứ ba mà rằng: mình nên đi theo tôi đi. Vợ nói: tôi đã chịu ơn huệ của anh, nay anh đến phút cuối cùng… tôi xin tiễn đưa anh đến ngoài thành mà thôi, chớ chắc không thể đi xa hơn đến chỗ anh ở được.

     

     Sau cùng chàng kêu vợ thứ tư nói: thôi mình đi theo ta đi. Chị trả lời: tôi đã xa lìa cha mẹ tôi đến đây hầu hạ anh, để anh sai khiến… thì việc chết, sống, khổ vui phải có mặt với nhau. Giờ đây tôi xin theo anh đi cho đến chỗ.

     Ba người trước là những người thích hợp với ý chồng, mà không thể đi theo được; duy người thứ tư khổ cực, xấu xí chẳng hợp ý chồng lại chịu đi theo.

     Đức Phật nói: bốn thí dụ trên, vợ thứ nhất dụ cho thân người. Người đời ưa mến xác thân hơn con vợ cả, nhưng đến khi chết nó nằm trơ nơi đất, chẳng chịu đi theo. Vợ thứ hai dụ cho của cải. Khi được thì vui chẳng được thì buồn, đến khi chết của cải hoàn lại cho đời, nào có chịu đi theo. Vợ thứ ba là dụ cho cha mẹ, vợ con anh em, bạn bè và tôi tớ. Lúc sanh thời lấy ân nghĩa, tình ái cùng nhau tưởng mến, đến khi chết, họ chỉ khóc lóc sa lệ tiễn đưa tới ngoài thành, nghĩa địa là cùng. Rồi từ giã người chết, ai về nhà nấy; thương nhớ có lâu lắm cũng không quá mười ngày, rồi nhóm nhau ăn uống quên mất người chết.

     Vợ thứ tư dụ cho chính là tâm ý của con người. Trong thiên hạ ai mà không có tự ái bảo thủ ý mình: buông tâm thả ý, tham dục, giận dữ, chẳng tin chánh đạo. Đến khi chết, chỉ có tâm ý chịu đi theo, để phải đọa vào ác đạo. Cho nên phải tự mình thẳng tâm chánh ý.

(Kinh A Hàm)

Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ắc,
Được người hiền kính yêu,
Bị người ác không thích.


(Kinh Pháp Cú) 

- Ai do tâm sanh, trở lại hại tâm; sắt hay sanh sét, sét lại tiêu sắt. 
 

(Kinh Bột)

- Như người chầm chậm thong thả tinh tiến, rửa trừ tâm dơ, như thợ luyện vàng; ác do tâm sanh, lại hại tự thân, như sắt sanh sét trở lại ăn sắt. 


(Kinh Pháp Cú)

- Người trí lấy huệ luyện tâm, tìm xét các lỗi, như kim khí còn quặng luyện vài trăm lần mới thành vàng ròng; cũng như biển cả ngày đêm sôi động mới có ngọc báu. Người cũng như vậy, tu tâm đêm ngày chẳng dứt, mới chứng được đạo quả.  

(Kinh Xuất Diệu)

- Phật dạy: các đệ tử! Các ngươi nên bỏ những lời vô nghĩa, thường tự giữ gìn lời nói; nói phải biết thời, nói phải thuận pháp. Những lời nói ngoài việc lợi ích cho người, dù là nói chơi cũng không nên nói.

(Kinh Hoa Nghiêm)

- Những người thế gian, khi còn sống, lưỡi tự nhiên sanh ra cái búa sắt nghĩa là cái miệng nói những lời độc ác, rồi quay lại hại thân mình.

(Kinh Khởi Thế Nhơn Bổn)

- Chẳng đặng nói dối bằng chứng cho người, khiển họ phạm pháp; chẳng đặng truyền nói lời dữ, khiến họ cùng nhau cãi cọ tranh giành; chẳng đặng nói lời làm hại ý người; đừng chẳng nghe nói nghe, chẳng thấy nói thấy.

(Kinh A Hàm Chánh Hạnh)

- Ngày xưa có con ba ba gặp phải thời nắng khô, nước các ao hồ cạn hết, tự mình không thể đi đến những ao còn nước được. Bấy giờ có con hạc rất to bay đậu gần bên, ba ba liền lại cầu xin nhờ hạc cứu giúp cho. Hạc dùng mỏ kẹp ba ba, tha bay đi. Bay qua nơi thị trấn, xóm làng, ba ba chẳng biết hỏi rằng: đây là chỗ gì sao chẳng đậu lại đây? Hạc muốn trả lời mới hả mỏ ba ba rớt xuống đất; bị người bắt ăn thịt. Những người ngu dại chẳng cẩn thận nơi miệng lưỡi cũng như thế.

(Kinh Cựu Tạp Thí Dụ)

- Lời nói thiệt, chẳng cần bố thí trì giới hay học vấn đa văn gì cả mà chỉ tu thiệt ngữ vẫn được phước không lường.

(Luận Trí Độ)

- Thiệt ngữ Đồng tử hỏi Phật rằng: thiệt là gì? Phật đáp: thiệt có ba là chẳng dối Phật, chẳng dối mình và chẳng dối chúng sanh. Lại hỏi: nói thế nào là thiệt? Phật đáp: chẳng nói nhiễu, giữ gìn lời nói và chẳng nên nói lời thô, ấy là thật ngữ.

(Kinh Đại Tập)

- Các đệ tử! Các ngươi nên bỏ lời nói dối, thường nói lời chơn thiệt, lời chắc chắn, dù là trong mộng cũng chẳng nên nói dối.  

(Kinh Hoa Nghiêm)

- Đức Phật bảo A Nan: Người sanh thế gian, tai họa sanh từ miệng, nên phải giữ miệng lắm hơn đề phòng lửa dữ; lửa dữ đổt cháy của thế gian, miệng dữ đốt cháy của bảy bậc thánh. Tất cả chúng sanh họa từ miệng sanh ra, nên biết miệng là dao búa giết thân vậy.

(Kinh Báo Ân)

- Nói ác, mắng chửi, kiêu mạn khinh người. Các điều ác ấy khởi ra là ganh ghét oán hận sanh ngay. Nói lời khiêm tốn, tôn kính người, bỏ oán, nhẫn ác, là ganh ghét, oán hận tự dứt. Là người sanh ở đời, búa tại trong miệng, sở dĩ giết thân do lời nói dữ. Khen kẻ ác, được kẻ ác khen lại, hai bên đều là ác. Ưa dùng miệng đấu nhau, về sau đôi bên đều không yên. Nên đừng nói lời cộc cằn, nói phải sợ quả báo, đưa lời ác đi, tai họa trả lại, dao gậy đến thân. Thốt ra lời nói lành, như đánh chuông khánh, thân không nghị luận, suốt đời an vui.

(Kinh Pháp Cú)

- Ưa miệng dữ, hai lưỡi, để moi móc lỗi của người. Người bất thiện như vậy, không việc ác nào mà họ không làm.

(Kinh Hoa Thủ)

- Phật dạy: bỏ hai lưỡi, không có ác tâm phá hoại, khiến cho những người tranh đấu ly tán, được hòa hiệp lại. Và bỏ lời nói ác khẩu thô bạo cộc cằn biết nó là hại mình hại người nên xa lìa.

(Kinh Hoa Nghiêm)

- Nếu lấy tranh đấu để ngăn tranh đấu chắc chắn không thể ngăn được, duy có nhẫn nhục mới có thể ngăn được. Đó là phương pháp thật cao cả.

(Kinh Trung A Hàm)

Pink Lotus 2.png

- Đức Thế Tôn dạy: thà lấy gươm bén mổ bụng, lột da, hay gieo mình vào lửa, quyết không làm ác; thà đầu đội núi Tu di chịu để cho tan thân, hoặc nhảy xuống biển cả cho các trạnh nuốt thây, cẩn thận đừng làm ác.

(Kinh Nhẫn Nhục)

- Bồ tát bị mắng nhiếc lâu trăm ngàn kiếp, chẳng sanh lòng giận dữ, hay được khen ngợi trăm ngàn đời cũng chẳng đặng sanh tâm vui mừng. Ấy là vì đã liễu đạt lời nói người đời là lẽ sinh diệt của tiếng tăm như chiêm bao, như tiếng vang.

(Luận Trí Độ)

- Kẻ Sa môn tu hành, lấy nhẫn làm đầu; phải như nước trong, không chút nhơ bẩn. Nước đối với thây người chết, chó chết, rắn chết, và đồ đại tiểu tiện đều rửa tẩy, nhưng nước vẫn trong sạch. Cần phải trì tâm như cầm chổi quét đất, quét sạch chỗ dơ; chổi đối với thây người chết, chó chết, rắn chết và đồ đại tiểu tiện thảy đều quét sạch, nhưng chổi chẳng hư hao, cũng như sức mạnh và ánh sáng của gió, lửa đối với thây chết, chó chết, rắn chết và đồ đại tiểu tiện đều thổi bay, đốt cháy. Nhưng sức mạnh và ánh sáng của gió, lửa vẫn chẳng hao mòn.

- Nếu người muốn đến giết mình, mắng mình, mình cũng chẳng nên giận; hay đến khen mình hoặc cười mỉa mình, mình chẳng nên giận; hoặc họ đến phá mình chẳng cho phụng sự Phật pháp, cũng chẳng nên giận dữ. Cần phải từ tâm chánh ý thì tội diệt phước sanh.

(Kinh Tiên Ý)

- Lấy tâm buộc t âm, lấy tâm, tâm chuyên một cảnh, thứ lớp không hở, thì được định tâm. Tâm thường yên lặng.

(Kinh Bảo Vân)

- Người đời buông lung say mê trong năm món dục, vọng tưởng xằng bậy mà gây tội khổ. Vậy nên siêng năng tu hành chẳng buông lung, phụng hành Phật pháp, lập đại thệ nguyện, năng độ kẻ mê ấy là Phật cảnh giới. Thấy kẻ mê lầm lạc đường Chánh Đạo, tập thành các tà hạnh đọa vào các thú, ở lâu trong chốn rất tối tăm; vì những kẻ ấy hiện ra đèn trí huệ khiến thấy Phật pháp, là Phật cảnh giới.

Nước biển trong ba cõi sâu rộng mênh mông không bờ đáy; các chúng sanh nối chìm trong đó, dùng phương tiện tạo thành con thuyền Chánh pháp để độ qua, là Phật cảnh giới vậy.

(Kinh Hoa Nghiêm)

- Này các Tỳ kheo! Người có trí huệ thì không tham đắm, nên cần tự tĩnh đừng để mất chánh niệm, là ở trong pháp Ta được Đạo quả giải thoát. Nếu bỏ mất trí huệ đã chẳng phải người Đạo lại phi kẻ tục, chẳng biết gọi tên chi cho trúng. Kẻ thật có trí huệ tức là con thuyền bền chắc vượt qua biển lão bệnh tử; mà cũng là ngọn đèn sáng vĩ đại soi chỗ tối vô minh; lại cũng chính là vị thuốc hay chữa lành mọi chứng bệnh; rồi nó cũng là cái búa bén hạ các cây phiền não. Vậy nên các ngươi phải lấy ba món huệ là: văn, tư, tu mà tự lợi ích. Nếu người chỉ có ánh sáng trí huệ, tuy chưa có thiên nhãn, nhưng cũng là kẻ minh kiến vậy.

(Kinh Di Giáo)

- Hỡi các Tỳ kheo: Nếu ai nhiếp tâm thời tâm có định. Vì tâm có định mới có thể biết được pháp sanh diệt của muôn vật. Vậy nên các ngươi thường phải tinh tấn tu tập các định. Nếu ai được định thời tâm chẳng tán loạn; in như con nhà nông tiếc nước, khéo trị bờ cõi. Các ngươi cũng nên tiếc nước trí huệ, khéo tu các thiền định, chớ để lọt mất đi uổng lấm.

(Kinh Di Giáo)

- Giới là gốc chánh thuận giải thoát, nên gọi là giải thoát giới bổn. Nhờ giới mới được sanh các thiền định và trí huệ diệt khổ, vậy nên các Tỳ kheo phải trì tịnh giới, đừng để thiếu khuyết. Nếu ai năng trì tịnh giới thì được pháp lành; bằng không tịnh giới, các thiện công đức không thể sanh được. Vậy nên phải biết giới là chỗ yên ổn công đức thứ nhứt vậy.

(Kinh Di Giáo)

Đức Phật dạy các đệ tử rằng: Đời có 4 hạnh người:

 

1. Trước khổ sau vuì

2. Trước vui sau khổ

3. Trước sau đều khổ

4. Trước sau đều vui

 

Hạng người thứ nhất là sanh vào trong gia tộc ti tiện sát nhơn mà biết thọ giáo tu pháp lành, ân năn sám hối cải ác tu thiện. Hạng người thứ hai là sanh vào trong dòng hào tộc, vua chúa mà chẳng biết thụ giáo tu thiện gì cả, sẽ phải sanh vào ác thú. Hạng người thứ ba là sanh vào trong nhà nghèo hèn mà cũng chẳng biết tu phước làm thiện gì cả cũng sẽ sanh vào àc thú. Và hạng người thứ tư là sanh vào nhà giàu sang mà biết tu thiện là hạng người sẽ được sanh lên trời.

(Kinh Tăng Nhứt A Hàm)

Muốn biết nhơn đời trước, cứ xem hưởng thọ qủa ngày nay, muốn biết quả đời sau, cứ xem gây nhơn ngày nay.

(Kinh Nhân Quả)

- Cha làm chẳng lành, con chẳng thay chịu; con làm chẳng lành cha cũng chẳng chịu thay. Làm lành tự hưởng phước, làm dữ tự chịu ương.

(Kinh Nê Hoàn)

- Người làm thiện ác có bốn kẻ chứng biết: một trời, hai đất, ba người gần, bốn ý của ta.

(Kinh Mạ Ý)

- Ta thường thấy: kẻ yêu nghiệp mà được hưởng phước, còn người hiền lành lại bị tai họa, sở dĩ có trái ngược như thế là vì quả báo thiện ác chưa đến ngày chín; chớ quả báo thiện ác đến ngày chín, thời kẻ ác phải chịu khổ, mà người thiện được hưởng vui.

Kia như đánh người bị người đánh lại; gây oán với người bị người oán lại, cho đến mắng chửi hay sân nộ với họ, thời bị họ phản ứng như thường.

Vì người đời không nghe biết Chánh pháp nên chưa hiểu lý nhân quả của ba đời ấy thôi. Mạng sống ta đây có được là bao! Mà gây ác làm chi, đừng khinh thường ác nhỏ cho là ít lỗi; giọt nước tuy ít chứa dồn đầy thùng; tội nhiều đầy dẫy cũng do chứa từ ít mà thành. Cũng chớ coi thường chút lành cho là không phước, một giọt nước tuy ít mà chứa dồn đầy lu. Phước đức đến khi đầy đủ cũng nhờ chứa dồn từng mảy mún mà thành.

(Kinh Pháp Cú)

- Ví như cát trong biển cả, nhiều không thể tính biết được; cũng như người tạo tác thiện ác họa phước, trước sau gây nên, nhiều không thể kể xiết. Nhưng đến khi mạng tận, thời làm ác phải sanh về chỗ khổ, mà làm lành sẽ sanh về chỗ vui; vì lành hay dữ đã điều có dự định nơi chỗ sẵn sàng trước vậy.

(Kinh Bột)

- Lòng giận dữ độc hại hơn lửa dữ, thường phải đề phòng chớ cho nổi lên. Kẻ giặc cướp của công đức, chẳng ai bằng giận dữ.

(Kinh Di Giáo)

- Một niệm khởi lửa giận, có thể đốt cháy gốc lành nhiều vô lượng kiếp.

(Kinh Đại Nhựt)

- Thà sanh khởi trăm ngàn lòng tham, chớ khởi một cơn giận dữ; vì cái mà làm tổn hại lòng đại từ chẳng gì hơn bằng giận dữ.

(Kinh Quyết Định Tì Ni)

- Này các Tỳ Kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào các thuốc nhuộm, xanh, vàng hoặc đỏ,... vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỳ Kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế.

(Kinh Trung Bộ 1)

TRUNG ĐẠO

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha, núi Gijjhakùta. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sona ở tại rừng Sìta, trong thiền định, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Những ai là đệ tử Thế Tôn, phải sống tinh cần tinh tấn. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức”.

Thế Tôn biết được tâm thối thất của Tôn giả Sona, liền đi đến trước mặt và dạy:

Thầy nghĩ thế nào, này Sona ? Có phải trước đây, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ bà?

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.


Khi những sợi dây đàn quá căng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Khi những sợi dây đàn quá chùng, đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Khi những sợi dây đàn không quá căng, cũng không quá chùng, vặn đúng mức trung bình, khi ấy đàn của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

Thưa được, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng. 

Sau đó, Tôn giả Sona trở thành một vị A la hán.


(Kinh Tăng Chi Bộ III)

Này các Tỷ kheo, thuở xưa, có con mèo rình chuột cạnh một đống rác và nghĩ rằng: Nếu có con chuột nhắt nào chạy ra, ta sẽ bắt lấy và ăn thịt nó.

 

Rồi, này các Tỷ kheo, có một con chuột nhắt chạy ra, mèo vồ bắt lấy rồi nuốt chửng, và con chuột nhắt ấy cắn xé phủ tạng mèo. Do nhân duyên ấy, mèo bị đau đớn hành hạ đến chết hay gần chết.

 

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ở đây, một số Tỷ kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào làng khất thực, thân không phòng hộ, lời nói không phòng hộ, tâm không phòng hộ, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Các vị Tỷ kheo ấy bị tham dục não hại đến chết hay gần chết.

 

Do vậy, này các Tỷ kheo, phòng hộ thân, phòng hộ lời nói, phòng hộ tâm, an trú chánh niệm, chế ngự các căn là điều cần phải học tập.

(Kinh Tương Ưng Bộ II)

RÙA VÀ DÃ CAN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỳ kheo:

Này các Tỳ kheo, thủa xưa có một con rùa, vào một buổi chiều đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông. Từ đằng xa, rùa trông thấy con dã can đang đi tới. Thấy vậy, rùa liền rụt bốn chân, đầu và đuôi vào trong mai, nằm bất động và im lặng. Dã can đi tới thấy rùa liền nghĩ rằng: “Khi nào con rùa này thò ra thân phần nào thì ngay tại chỗ ấy, ta sẽ nắm lấy, bẻ gãy và ăn.” Nhưng vì rùa không thò ra một thân phần nào nên dã chan không nắm được cơ hội, nhàm chán con rùa và bỏ đi.

 

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Ác ma thường xuyên trong tư thế rình rập các ông với ý nghĩ: “Rất có thể ta nắm được cơ hội để bắt gặp từ con mắt…từ cái lưỡi…hay từ ý.”

 

Do vậy, này các Tỳ kheo, hãy sống hộ trì các căn. Khi nào các ông sống hộ trì sáu căn, thời Ác ma nhàm chán các ông sẽ bỏ đi, không nắm giữ được cơ hội, như con dã can đối với con rùa.

(Kinh Tương Ưng Bộ IV)

- Này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2)

Một thời, Thế Tôn trú tại Rajàgaha, trên núi Gijjhakùta. Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỳ kheo:

 

- Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này?

 

- Bạch Thế Tôn, cái nhiều hơn là quả đất này, còn ít hơn là đất trên đầu móng tay.

 

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, ít hơn là các chúng sanh có hiếu kính với mẹ, với cha và nhiều hơn là các chúng sanh không hiếu kính với mẹ, với cha.

(Kinh Tương Ưng Bộ V)

- Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa gội, tắm rửa và dù tại đấy cha mẹ có đại tiểu tiện, như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2)

- Này gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp đưa đến chứng được những pháp ấy. Thế nào là bốn? Ðó là đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4)

- Này các Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại và trong đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2)

- Này các Tỳ kheo, cần phải học tập như sau: Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại và trong đời sau. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm và tránh xa các tội.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2)

- Này các Tỳ kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi tự mình trách, sợ hãi người khác trách, sợ hãi hình phạt, sợ hãi ác thú.

Thế nào là sợ hãi tự mình trách? Ở đây, này các Tỳ kheo, có hạng người suy xét: "Nếu thân ta làm ác, lời ta nói ác, ý ta nghĩ ác, thời chính ta có thể trách ta: Sao lại làm nghiệp ấy?” Người ấy do sợ hãi tự trách, bỏ ác làm lành, sống đời trong sạch. Này các Tỳ kheo, đây gọi là sợ hãi tự trách.

Thế nào là sợ hãi người khác trách? Ở đây, này các Tỳ kheo, có hạng người suy xét: "Nếu ta làm ác, nói lời ác, ý nghĩ ác, thời người khác có thể trách ta: Sao lại làm nghiệp ấy?" Người ấy do sợ hãi người khác trách, bỏ ác làm lành, sống đời trong sạch. Này các Tỳ kheo, đây gọi là sợ hãi người khác trách.

Thế nào là sợ hãi hình phạt? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thấy các vua chúa khi bắt được kẻ trộm cướp liền dùng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, bằng gậy cho đến lấy gươm chặt đầu. Người ấy vì sợ hãi hình phạt, không có đi trộm cắp tài sản của người khác. Này các Tỳ kheo, đây gọi là sợ hãi hình phạt.

Thế nào là sợ hãi ác thú? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người suy nghĩ như sau: "Những ai thân làm ác, nói lời ác, ý nghĩ ác thì có báo trong tương lai." Người ấy vì sợ hãi ác thú, đọa xứ nên đoạn tận thân làm ác, nói lời ác và ý nghĩ ác. Này các Tỳ kheo, đây gọi là sợ hãi ác thú.

 

(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 4)

Thưa Tôn giả Gotama, có những vị Sa môn, Bà la môn là giáo chủ, hội chủ, sư trưởng có tiếng tăm, có danh vọng, được quần chúng tôn sung như các ngài Purana Kassapa, Nigantha Nàtaputta…. Khi con hỏi các vị ấy: "Có tự xem là đã chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác không?,” thời họ đã trả lời không tự xem đã chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vậy tại sao Tôn giả Gotama trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn và chỉ mới xuất gia lại tự cho mình như vậy?

 

Thưa Ðại vương, có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường, không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thế nào là bốn? Đó là vị vương tử trẻ tuổi, một con rắn trẻ tuổi, một ngọn lửa trẻ tuổi và một vị Tỳ kheo trẻ tuổi.

Thưa Ðại vương, bốn loại trẻ tuổi n ày không nên khinh thường, không nên miệt thị vì chúng là trẻ. 

(Kinh Tương Ưng Bộ I, chương 3)

- Này các Tỳ kheo, thế nào là con đường Trung đạo? Chính là con đường Thánh đạo tám nhánh, tức là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành trí, đưa đến an tịnh, giác ngộ, Niểt bàn.

(Kinh Tương Ưng Bộ V, chương 12)

- Này các Tỳ kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm?

Thật khó tìm được, này các Tỳ kheo, một người xuất gia lớn tuổi lại tế nhị: thật khó tìm một người xuất gia lớn tuổi có uy nghi tốt đẹp; thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi nghe nhiều; thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi thuyết pháp; thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi trì luật.

Này các Tỳ kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.

(Kinh Tăng Chi Bộ II, phẩm Triền cái)

- Này các Tỳ kheo, bốn hạng người này xứng đáng để được xây tháp. Thế nào là bốn?

 

Như Lai, bậc A la hán xứng đáng được dựng tháp; vị Độc giác Phật xứng đáng được dựng tháp; đệ tử của Như Lai xứng đáng được dựng tháp; Chuyển luân thánh vương xứng đáng được dựng tháp.

 

Có bốn hạng người này, này các Tỳ kheo, xứng đáng được dựng tháp.

(Kinh Tương Ưng Bộ II, chương 4)

- Có năm nguy hại này, này các Tỳ kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm?


Xan tham đối với trú xứ, xan tham đối với gia đình, xan tham đối với đồ vật cúng dường, xan tham đối với công đức, xan tham đối với pháp.


Có năm lợi ích này, này các Tỳ kheo, nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ. Thế nào là năm?


Không xan tham đối với trú xứ, không xan tham đối với gia đình, không xan tham đối với đồ vật cúng dường, không xan tham đối với công đức, không xan tham đối với pháp.

(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5)

- Này các Tỳ kheo, ở đây, Tỳ kheo tự vừa đủ với y phục nhận được từ chỗ kia; tự vừa đủ với đồ ăn khất thực nhận được từ chỗ này chỗ kia; tự vừa đủ với sàng tọa nhận được từ chỗ kia; tự vừa đủ với dược phẩm trị bệnh nhận được từ chỗ này chỗ kia; và sống với nhiều tư duy về viễn ly.

Thành tựu năm pháp này, vị Tỳ kheo đủ điều kiện để sống biệt lập với chúng Tăng.

(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5)

- Này các Tỳ  kheo, có năm hạng người ăn từ bình bát này. Thế nào là năm?

Hàng đần độn ngu si ăn từ bình bát; hạng ác dục ác tánh ăn từ bình bát; hạng kiêu mạn loạn tâm ăn từ bình bát; hạng ăn từ bình bát vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán; hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này, ăn từ bình bát.

 

Trong năm hạng người ăn từ bình bát, này các Tỳ  kheo, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.

Ví như, này các Tỳ kheo, từ con bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có sanh tô, từ sanh tô có thục tô, từ thục tô, từ từ thục có đề hồ. Đây được gọi là đệ nhất. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, trong năm hạng người ăn từ bình bát, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện lành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ.

(Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5)

- Này Bà la môn, Thế Tôn, bậc Chánh đẳng giác đã tuyên bố về địa vị của trưởng lão và tuổi trẻ. Vị trưởng lão, này Bà la môn, 80 tuổi hay 100 tuổi đời, nếu vị ấy thọ hưởng các dục vọng, sống giữa các dục vọng; bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, cố gắng tìm cầu các dục vọng; người ấy như vậy được gọi là kẻ ngu, không phải là bậc trưởng lão. Dù cho, này Bà la môn, một người còn trẻ, với tóc đen nhánh, trong thời sơ khởi của tuổi đời, mà người ấy không thọ hưởng các dục vọng, không sống giữa các dục vọng, không bị đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, không bị nhai nghiến bởi các tầm tư dục vọng, không cố gắng tìm cầu các dục vọng; người ấy như vậy được gọi là bậc có trí, bậc trưởng lão.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 2)

- Này các Tỳ kheo, gia đình nào thành tựu bảy chi phần sau; nếu chưa đến thăm, thì không xứng đáng để đi đến; nếu đã đến thăm thời không xứng đáng để ngồi xuống. Thế nào là bảy?

 

Không vui vẻ đứng dậy; không vui vẻ chào đón; không vui vẻ mời ngồi; có chỗ ngồi đem giấu đi; từ chỗ cho nhiều họ cho ít; từ đồ thù thắng họ cho đồ thô xấu; họ cho không có kính trọng, không có kính lễ.

 

Này các Tỳ kheo, gia đình nào thành tựu bảy chi phần này; nếu chưa đến thì không xứng đáng để đến; nếu đã đến, thì không xứng đáng để ngồi xuống.

(Kinh Tăng Chi Bộ III, chương 7)

- Này Ananda, có loại cây hương mà hương bay thuận gió, bay ngược gió và bay thuận gió ngược gió.

Bạch Thế Tôn, loại cây hương ấy là gì?

Ở đây, này Ananda, có nữ hay nam nhân quy y Phật, Pháp, Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cướp, từ bỏ sống tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ uống rượu, giữ giới, tâm tính hiền lương, không xan tham, ưa thích bố thí….. Người như vậy, được các Sa môn, Bà la môn tán thán khắp bốn phương.

Cây hương như vậy, này Ananda, có hương bay thuận gió, bay ngược gió và bay thuận gió ngược gió. “Không một hương hoa nào; Bay ngược chiều gió thổi; Dầu là hương chiên đàn; Già la hay Mạt lỵ; Chỉ hương người giới hạnh; Bay ngược chiều gió thổi; Chỉ hương bậc Chân nhân; Biến mãn mọi phương trời.”

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3)

Emerald Lotus.png

- Này các gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người phạm giới. Thế nào là năm?

Ở đây, này các gia chủ, người phạm giới do nhân duyên phóng dật nên hao mất tài sản lớn, đây là nguy hiểm thứ nhất. Người phạm giới tiếng xấu đồn xa, đây là nguy hiểm thứ hai. Người phạm giới khi đi đến hội chúng nào đều đến với tâm trạng sợ hãi, đây là nguy hiểm thứ ba. Người phạm giới khi chết bị si ám, đây là nguyên nhân nguy hiểm thứ tư. Người phạm giới khi mạng chung bị sanh vào ác thú, đoạ xứ, địa ngục, đây là nguy hiểm thứ năm.

Này các gia chủ, có năm điều lợi ích này cho người giữ giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới do nhân duyên không phóng dật nên được tài sản lớn, đây là lợi ích thứ nhất. Người giữ giới tiếng tốt được đồn xa, đây là lợi ích thứ hai. Người giữ giới khi đi đến hội chúng nào đều đến với tâm trạng không có sợ hãi, đây là lợi ích thứ ba. Người giữ giới khi chết không bị si ám, đây là lợi ích thứ tư. Người giữ giới khi mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này, đây là lợi ích thứ năm.

(Kinh Tiểu Bộ I)

- Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì chúng Tỳ kheo; hộ trì chúng Tỳ kheo với y, với đồ ăn khất thực, với sàng tọa, với dược phẩm trị bệnh.

 

Thành tựu bốn pháp này, này gia chủ, vị Thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của gia chủ, con đường đem lại tiếng tốt, con đường đưa đến cõi trời.

"Bậc hiền trí thực hiện; con đường thật xứng đáng; của người làm gia chủ; hộ trì bậc có giới; bậc sở hành chân chánh; hộ trì với y áo; với đồ ăn khất thực; sàng tòa, thuốc trị bệnh; công đức họ tăng trưởng; thường hằng, ngày lẫn đêm; do làm nghiệp hiền thiện; đi đến cảnh chư Thiên."

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4)

- Này các Tỳ kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các người và nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật."

Và này các Tỳ kheo, nếu các người là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự pháp thì không những các người mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp."

Và này các Tỳ kheo, nếu các người là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật thì không những các người mà cả ta cũng trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật."

Do vậy, này các Tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. 

(Kinh Trung Bộ I)

- Vững tâm chánh ý, trai giới trong sạch trong một ngày đêm, hơn ở bên cõi vô lượng thọ tu hành trăm năm, sao thế? Vì bên nước Phật kia vô vi tự nhiên nghĩa là các điều lành đều chứa nhóm, không có mảy may điều ác vậy. Ở cõi này tu hành mười ngày đêm hơn ở các cõi nước các đức Phật khác tu hành ngàn năm. Tại vì sao? Vì các cõi các đức Phật kia nhiều kẻ làm lành mà ít người làm ác, phước đức tự nhiên, không có điều kiện tạo ác vậy.

(Kinh Vô Lượng Thọ)

- Đức Phật bảo A Nan và bà Vi Đề Hy: "Các Phật Như Lai lấy pháp giới làm thân, cho nên vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh; vậy nên các người mỗi khi tâm tưởng Phật, tâm này tức là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Tâm này phải làm Phật vì tâm này là Phật. Các đức Phật là biển chánh biến tri, từ tâm tưởng mà sanh ra.

 

- Nếu ai biết niệm Phật, thì phải biết người này là hoa sen báu trong loài người, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức Đại Thế Chí Bồ Tát là bạn thù thắng của người ấy, và thường ở đạo tràng sanh trong nhà các đức Phật.

(Kinh Quán Vô Lượng)

Hồi Hướng

oOo

Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm Phật Tịnh Độ

Trên đền bốn ơn nặng

Dưới cứu khổ tam đồ

Nếu có ai thấy nghe

Đều phát lòng Bồ-đề

Hết một báo thân này

Đồng vãng sanh Tịnh Độ.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

bottom of page